News

HDBank thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương

HDBank cung cấp phương thức thanh toán tiện ích, trợ giá nông sản, hỗ trợ tài chính cho nhà vườn, góp phần vào doanh thu hàng tỷ đồng trên các phiên livestream OCOP.

OCOP là chương trình quốc gia về phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập người dân. Triển khai trên toàn quốc từ năm 2018, đến tháng 2 năm nay, chương trình có 8.867 sản phẩm OCOP của hơn 4.586 chủ thể.

Chợ phiên OCOP là một trong những hoạt động chủ chốt của OCOP (One Commune One Product - Mỗi xã một sản phẩm). Chương trình tổ chức dưới hình thức phiên livestream trên nền tảng TikTok, kéo dài 4-6 tiếng. Bên cạnh ý nghĩa thúc đẩy thương mại, chợ phiên còn tạo động lực kết nối, gìn giữ, phát triển giá trị làng nghề truyền thống, lan tỏa "vị ngon, chất lành" của đặc sản Việt.

Ngày 10/11, HDBank ký biên bản hợp tác với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agritrade - thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và TikTok về quảng bá, phát triển chương trình OCOP. Sau cột mốc này, nhà băng có nhiều hoạt động đồng hành chương trình.

Đơn vị cùng Tiktok, Agritrade kết nối với các chủ thể uy tín ở từng địa phương, sàng lọc sản phẩm tốt, nguồn gốc rõ ràng để đưa vào Chợ phiên OCOP. Khi đã tạo niềm tin về chất lượng, ngân hàng phối hợp mang đến những cách truyền tải thú vị để khách hàng cá nhân dễ dàng tiếp cận giải pháp tài chính, phương tiện thanh toán hiện đại.

Đơn cử, trên livestream người xem có thể thanh toán qua thẻ tín dụng, ứng dụng mua ngay trả dần Muadee by HDBank, tài khoản eSkyone... Một số dịch vụ đi kèm lợi ích hoàn tiền, trả góp không phí ẩn, không lãi suất, thúc đẩy nhu cầu chi tiêu. Ngoài ra, ngân hàng trợ giá ngay trên từng phiên livestream để đẩy mạnh lực kích cầu.

Về phía người bán, nhà băng cùng các đơn vị tham gia tư vấn, đào tạo kỹ năng, khuyến khích chủ thể bắt kịp xu hướng số. Khi tận dụng mạng xã hội, chủ thể dễ dàng tăng doanh số, quảng bá thương hiệu rộng rãi, giữ kết nối liên tục với người dùng trên cả nước. Lợi ích đa chiều của kênh số còn nằm ở việc giảm chi phí quảng cáo mà vẫn có thể mở rộng thị trường, bồi đắp cho giá trị thương hiệu trong cộng đồng.

HDBank đồng thời cung cấp nhiều giải pháp tài chính để các chủ thể, nhà sản xuất nông sản, đặc sản chủ động hơn trong giao dịch và quản lý dòng tiền, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh doanh.

Nhà sản xuất nông sản được tư vấn giải pháp tài chính phù hợp tại trụ sở ngân hàng. Ảnh: HDBank

Nhà sản xuất nông sản được tư vấn giải pháp tài chính phù hợp tại trụ sở ngân hàng. Ảnh: HDBank

Với thế mạnh về các sản phẩm tài trợ chuỗi, nhà băng cấp khoản vay đến 85% dòng tiền thanh toán và công nợ tại các siêu thị. Ngân hàng còn hỗ trợ nguồn lực, tư vấn tài chính và tận dụng mạng lưới đối tác để giúp chủ thể đưa nông - đặc sản vào chuỗi siêu thị thuận lợi hơn. Ví dụ, giải pháp eZy Loans từ HDBank cấp tín dụng cho nhà cung cấp chuỗi siêu thị qua kênh online, giải ngân nhanh, tối ưu chi phí.

Đơn vị đồng thời triển khai chuỗi website tài chính trên 63 tỉnh, thành. Với mục tiêu địa phương hóa nhu cầu tài chính, nhà băng triển khai các dịch vụ gắn với đặc thù của từng khu vực, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian.

Đại diện ngân hàng cho biết, với nhiều hoạt động kể trên, đơn vị góp phần giúp doanh thu trên các phiên livestream OCOP đạt doanh thu hàng tỷ đồng.